Trường THCS Thanh An
Thư viện trường
BÀI: PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN QUA KHÔNG GIAN MẠNG
Kính thư các thầy cô giáo, Quý phụ huynh cùng các em học sinh!
Thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội diễn biến phức tạp, xảy ra với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, gây thiệt hại về tài sản của người dân. Ngoài các thủ đoạn phổ biến như: Kết bạn làm quen qua mạng xã hội (Facebook, Zalo..), hẹn hò qua mạng, tặng quà rồi lừa đảo; chiếm quyền quản trị hoặc giả lập các tài khoản mạng xã hội của người khác rồi nhắn tin, lừa gạt người thân quen của chủ tài khoản chuyển tiền sau đó chiếm đoạt; Tạo lập các website sàn giao dịch tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, chứng khoán quốc tế để lôi kéo người dân tham gia đầu tư, sau đó can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt số tiền của người tham gia; Đăng thông tin giả mạo về các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp và chiếm đoạt số tiền huy động được.
Theo số liệu thống kê, hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính (gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng hướng vào các nhóm: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng, gồm:
(1) Combo du lịch giá rẻ: Lừa đảo chiếm đoạt tiền bạc, thông tin cá nhân qua các hình thức bẫy mua dịch vụ du lịch trọn gói.
(2) Cuộc gọi video deepfake, deepvoice: Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung nhằm tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến.
(3) Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công: Các đối tượng lừa nạn nhân mua hàng số lượng lớn trên mạng xã hội. Làm giả biên lai chuyển tiền thành công bằng phần mềm.
(4) Giả nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu: Gọi điện thoại thông báo người thân đang nằm cấp cứu trong bệnh viện, yêu cầu chuyển tiền mổ gấp.
(5) Tuyển người mẫu nhí: Lợi dụng mạng xã hội tiếp cận, dụ dỗ các bậc phụ huynh có con nhỏ đăng ký ứng tuyển người mẫu nhí. Yêu cầu nạn nhân đóng nhiều loại phí hoặc hướng dẫn làm nhiệm vụ qua mạng.
(6) Thông báo “Khóa sim” vì chưa chuẩn hóa thuê bao: Các đối tượng gọi điện thông báo khóa dịch vụ viễn thông. Nạn nhân làm theo hướng dẫn sẽ mất thông tin các nhân, thông tin tài khoản ngân hàng...
(7) Giả danh công ty tài chính: Cung cấp khoản tiền vay với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản. Yêu cầu nạn nhân đóng phí làm thủ tục rồi chiếm đoạt.
(8) Cài cắm ứng dụng, đường dẫn (link) quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen: Các đối tượng gài bẫy quảng cáo, ứng dụng cho vay. Nạn nhân sau khi cài đặt ứng dụng và cấp quyền cho ứng dụng truy cập điện thoại sẽ bị kẻ gian chiếm đoạt thông tin cá nhân.
(9) Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp: Tạo trang web giả mạo có giao diện giống với trang web của các cơ quan, doanh nghiệp. Người dùng khai báo thông tin trên trang web giả sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân.
(10) Giả mạo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo: Các đối tượng sử dụng trạm phát sóng BTS giả mạo để gửi hàng loạt tin nhắn lừa đảo tới người dùng. Nạn nhân làm theo hướng dẫn từ tin nhắn sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân.
(11) Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp: Gửi link thanh toán trực tuyến tham gia sàn giao dịch ảo, yêu cầu nạn nhân gửi tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt.
(12) Lừa đảo tuyển cộng tác viên online: Tuyển cộng tác viên “việc nhẹ lương cao” - giả mạo các trang sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
(13) Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo: Chiếm quyền đăng nhập vào tài khoản Facebook, Zalo nhắn tin cho bạn bè, người thân hỏi vay tiền.
(14) Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án: Các đối tượng giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để gọi điện hăm dọa và sử dụng các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
(15) Rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử: Đăng tải quảng cáo mời chào người tiêu dùng mua hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc trên các sàn thương mại điện tử.
(16) Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng: Các đối tượng bẫy người dùng Intenet khai báo thông tin CCCD trên các mẫu khảo sát. Từ đó sử dụng thông tin cá nhân đã đánh cắp để vay nợ tín dụng.
(17) Chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng: Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng và giả danh người thu hồi nợ để yêu cầu trả lại số tiền.
(18) Dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa: Giả danh nhân vật có uy tín, sức ảnh hưởng liên hệ cung cấp dịch vụ lấy lại tiền đã mất cho nạn nhân. Yêu cầu nạn nhân thanh toán trước hoặc cung cấp thông tin cá nhân.
(19) Đánh cắp Telegram OTP: Lập tài khoản Telegram giả danh các cơ quan, tổ chức. Gửi tin nhắn yêu cầu xác thực tài khoản cho nạn nhân nhằm chiếm đoạt mã OTP để truy cập tài khoản của họ.
(20) Tung tin giả về cuộc gọi mất tiền FlashAI: Gọi điện thông báo tin giả, hướng dẫn phòng tránh cuộc gọi mất tiền FlashAI. Nạn nhân làm theo hướng dẫn sẽ bị chiếm đoạt thông tin cá nhân.
(21) Dịch vụ lấy lại tài khoản Facebook: Tạo trang web quảng cáo dịch vụ lấy lại tài khoản Facebook. Yêu cầu người dùng cung cấp tiền cọc, thông tin cá nhân sau đó chiếm đoạt.
(22) Rải link Phishing, Seeding, quảng cáo bẩn trên mạng xã hội: Tạo trang web giả mạo ngân hàng hoặc dịch vụ trực tuyến với mục đích thu thập thông tin cá nhân của các người dùng Internet.
(23) Dự báo số lô, số đề: Các đối tượng chiêu dụ người dùng chơi đề và yêu cầu nạn nhân chi trả tiền theo tuần, tháng, hoa hồng.
(24) Bẫy tình cảm, đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng: Các đối tượng thông qua các mạng xã hội và ứng dụng hẹn hò tiếp cận người dùng. Lợi dụng tình cảm nạn nhân lừa chuyển tiền, kêu gọi đầu tư tài chính.
Nhằm ngăn chặn, hạn chế tối đa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, mỗi người dân chúng ta cần nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn của tội phạm lừa đảo như:
1. Đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc Online qua mạng.
2. Không công khai các thông tin cá nhân như: ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng ... lên mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng vào mục đích lừa đảo; chọn lọc những thông tin cụ thể khi chia sẻ công khai lên mạng xã hội.
3. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và bảo mật tuyệt đối về thông tin của các tài khoản trên gồm: tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP) hoặc số thẻ tín dụng,... không cung cấp cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà chưa xác định được nguồn gốc.
4. Không truy cập các đường link trong tin nhắn, email lạ không rõ nguồn gốc; không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng.
5. Cảnh giác khi tiếp cận website, ứng dụng trong các tin nhắn mà người dùng nhận được, bao gồm các tin nhắn thương hiệu, tin nhắn từ các đầu số ngắn; tuyệt đối không truy cập vào các website, ứng dụng có nguồn gốc, nội dung không rõ ràng.
6. Cảnh giác, không tin tưởng vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng mà yêu cầu nạp thẻ điện thoại, hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền, tài sản lớn, không rõ lý do.
7. Cảnh giác với những trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang web ngân hàng... lưu ý chí nên nhập thông tin tài khoản ngân hàng trên trang web, ứng dụng chính thức của ngân hàng có uy tín.
8. Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại người quen, bạn bè nhờ mua thẻ điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ cần gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin trước khi chuyển tiền yêu cầu của người đó.
9. Đối với các cá nhân có nhu cầu chuyển, nhận tiền từ nước ngoài về thì gửi nhận thông qua ngân hàng có uy tín, không sử dụng các dịch vụ chuyển tiền, đổi tiền quốc tế của các cá nhân, tổ chức không hợp pháp.
10. Không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng cho người khác, đặc biệt là những đối tượng không quen biết. Khi phát hiện đối tượng có hành vi mua, thuê người khác mở tài khoản ngân hàng cần báo ngay cho Cơ quan Công an để có biện pháp xử lý theo quy định cúa pháp luật.
11. Không cài đặt lên điện thoại, máy tính các ứng dụng chưa được xác thực trên kho ứng dụng trước yêu cầu của đối tượng lạ.
12. Khi phát hiện sim điện thoại bị vô hiệu hóa, cần gọi ngay cho bộ phận chăm sóc khách hàng của nhà mạng để yêu cầu hỗ trợ, xác minh. Nếu bị mất điện thoại, cần khẩn trương báo nhà mạng khóa sim kịp thời.
13. Khi mua hàng Online tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét nguồn gốc rõ ràng, tuyệt đối không mua ở những trang mạng xã hội không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn, chỉ bán hàng Online chứ không có cửa hàng cụ thể.
Để đảm bảo không bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất mong tất cả chúng ta luôn nâng cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết...../.
Trân trọng!